Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm: Bước qua bóng rợp
Chàng thuộc thế hệ họa sĩ trẻ thời mở cửa. Cái lí lịch trích ngang của Doãn Hoàng Lâm về gia đình thuộc dòng “danh gia vọng tộc” trong giới nghệ sĩ. Bố là NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn sân khấu oai hùng, lẫy lừng dọc ngang miền Nam Bắc. Mẹ là nữ diễn viên Nguyệt Ánh được ví như hàng solist đầu tiên thuộc hàng mỹ nhân nghiêng nước, nghiêng thành của thập niên 70.
Chàng, đương nhiên là con nhà nòi được sinh ra từ trong trứng nước đã nhen nhóm hình thành một tố chất nghệ sĩ bẩm sinh. Khuôn mặt điển trai và dáng người cao to phong độ, lẽ ra có thể trở thành một gương mặt diễn viên không thể thay thế, hay chí ít cũng theo bố hành nghề đạo diễn làm mưa gió miền sân khấu kịch nghệ. Không, chàng lãng tử Hà Thành lại chọn một con đường riêng, bút mực trên vai rong ruổi hành trình đến với hội họa. Và trong hội họa chàng như tìm được chính mình. Tôi đi tìm tôi.
Cho đến tận giờ dù đã tốt nghiệp hai trường đại học với hai bằng cử nhân nghệ thuật thuộc loại giỏi, một Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, một Đại học Mỹ Thuật Yết Kiêu, Doãn Hoàng Lâm vẫn không nằm trong biên chế của một cơ quan nào. Nhưng, chàng, đương nhiên rất hồn nhiên vẫn sống một đời nghệ sĩ lãng tử. Chàng là cơ quan chủ quản của riêng mình. Có lẽ, trong tâm hồn của chàng không muốn bị bó buộc bởi những khuôn mẫu, những phép tắc, hàng mớ những quy định, nội dung này nọ… Chàng muốn phiêu linh.
Nhiều người nói, nghệ sĩ là những người có cảm xúc không bình thường. Khi vui thì vui quá, khi buồn, buồn mênh mông và con cái của họ phải có một thần kinh thép mới chịu đựng được sự thái quá cung bậc cao trào của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ là những kẻ đỏng đảnh và thất thường nhất thế gian. Tôi biết cha của chàng, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang khi ông đã 70 tuổi. Và ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một người vô cùng chừng mực và thuộc hàng “ngư ông đắc đạo”.
Ông không nói to, khi cáu giận cũng không hề biểu lộ. Trên khuôn mặt ông là một sự tĩnh lặng, điềm nhiên đến độ đáng ngạc nhiên. Ồ! Điều đó thật hiếm gặp ở các đạo diễn. Còn mẹ chàng, nữ diễn viên Nguyệt Ánh được người đời tung hô mỹ nhân của các mỹ nhân. Bà là người đẹp. Người đẹp đương nhiên sẽ rất hay, quyến rũ.
Từ gần nửa thập kỉ trước, họ, đôi long - phượng của giới sân khấu, gặp nhau, yêu và lấy nhau. Nhưng rồi, đời nghệ sĩ nhiều sóng gió. Sau khi sinh cậu con trai, họ chia tay khi Lâm còn rất bé. Người đàn bà được coi là tuyệt sắc giai nhân của làng kịch nghệ vào Nam để đến với một hạnh phúc mới. Doãn Hoàng Lâm ở với cha trong một căn gác nhỏ trên phố Huế ngay trung tâm Hà Nội. Căn gác đó hai cha con chàng đã gắn bó suốt hơn 30 năm mà mãi cho đến khi sốt ruột với cậu con trai không chịu lấy vợ, đạo diễn già mới hì hụi xây một ngôi nhà khang trang bề thế ở vùng đất đẹp Nghi Tàm, Quảng Bá.
Trong kí ức của chàng, căn nhà gác nhỏ ở phố cổ đó tưởng chừng như chỉ có thêm người thứ ba sẽ rất chật. Trong tâm hồn mơ mộng của mình, chàng nhỏ tuổi vẫn thấy ầm ào những khung cảnh khi nên thơ, lúc lại sâu xa mơ mộng. Đứa trẻ con nào ngày bé cũng thích vẽ, nhưng ở chàng là một tố chất, một sự khắc khoải, khôn nguôi, trí tưởng tượng bay bổng, phong phú.
Khi còn là sinh viên khoa Mỹ thuật của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, chàng đã theo cha làm mỹ thuật cho hàng chục vở diễn do cha đạo diễn. Tốt nghiệp đại học sân khấu, chàng đỗ vào Mỹ thuật Yết Kiêu. Tranh của chàng đương nhiên là con người và cá tính của chàng. Ở nơi ấy bao nhiêu nghĩ suy, bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu buồn thương, bao nhiêu ngẫm ngợi được dịp lồ lộ phơi bày.
Chẳng hiểu sao, chàng thấy mong manh cho một kiếp người. Chàng muốn đi đến điều sâu xa trần trụi ở đằng sau dù được tô vẽ bằng vỏ ngoài đẹp đẽ. Căn gác nhỏ ấy chứa sách của lão đạo diễn cũng đã chật ních. Chàng họa sĩ đi thuê xưởng vẽ, ở Thụy Khuê, khi Hoàng Hoa Thám, lúc lại đóng đô ở phố Hàng Chuối. Làm việc cặm cụi hàng ngày tấp nập những ý tưởng, màu sắc, hình khối, đêm muộn chàng họa sĩ rời xưởng vẽ của mình về nhà. Trời khuya, giá lạnh, dưới ánh trăng mờ, đèn điện nhập nhoạng, bóng những cô gái làm ở quán đèn mờ vật vờ ẩn hiện như ma liêu xiêu, lang thang trên phố khiến cho chàng bất giác nôn nao. Chàng sẵn sàng bỏ tiền đương nhiên chỉ là trò chuyện với một cô làm nghề ăn sương trên phố để nghe tâm sự nỗi lòng của một kiếp người đen phận. Chàng được sinh trưởng trong cái nôi nghệ thuật đích thực, nên dù muốn hay không cảm xúc trong chàng lúc nào cũng dập dềnh như những cơn gió. Có thể là gió to, gió lớn, gió hiu hiu…
Đã là gió, luôn biến chuyển và không bao giờ một chỗ. Ngay từ khi rất nhỏ, chàng đã mang tính nữ “đa sầu, đa cảm”. Với người nghệ sĩ điều ấy thực cần. Nhưng với một con người nhạy cảm quá, lắm khi làm trái tim luôn trong tình trạng vận hành quá tải. Nhịp đập hỗn loạn. Chàng đến với hội họa bằng một trái tim sầu cảm, ý tưởng sáng tạo tinh khiết, thanh sạch. Chàng nhớ lại thuở ấu thơ vẫn thường thổn thức với hình ảnh người ăn xin đói rách trong các gầm chợ, ngõ phố.
Chàng rùng mình, xót xa những đứa bé côi cút lang thang trên hè phố với biết bao hiểm nguy rình rập. Chàng cảm động biết bao trong tiếng đêm lá rơi khe khẽ, chị lao công bé nhỏ lặng lẽ cúi người gom rác chất cao chất ngất trên xe đẩy. Chàng như một máy thu dò tìm đời sống xã hội đầy trắc ẩn, hỗn tạp quanh mình và như một bác sĩ nguyên tử mang ra phân tích, dò xét.
Chẳng hiểu sao, mỗi lần ngắm tranh của chàng, ai nấy đều có chung một cảm xúc, điều gì đang cựa quậy, gai nhọn được rút ra, hạt nhân phải gồng lên để chống phá những thế lực hắc ám bên ngoài. Cuộc đời không đơn giản. Những nguy hiểm rình rập, như con bạch tuộc khổng lồ, những con hà bá sẽ sẵn sàng ăn hết, nuốt hết những miếng mồi thơm. Trên toan giấy trắng, dù được chàng vung nét vẽ thế nào thì đồng tiền, quyền lực, gái đẹp... là chủ đề chính trong tranh của chàng.
Chàng muốn phơi bày về một cuộc sống trần trụi, góc khuất đen tối mà chàng có thể chưa từng trải qua nhưng vẽ bằng sự cảm nhận tinh tế. Người nghệ sĩ vẫn hơn người thường ở cảm xúc và truyền tải cảm xúc. Chàng đã làm được phần quan trọng nhất của một họa sĩ là truyền tải thông điệp và cảm xúc đến cho khán giả thưởng thức nghệ thuật.
Chàng một bản năng mãnh liệt, muốn thoát ra khỏi cái bóng lừng lững của bố bao năm che phủ. Đôi khi, chàng ngạc nhiên rồi hậm hực, bực dọc chỉ vì: Hay nhỉ, tại sao nhắc đến Doãn Hoàng Lâm là y như rằng người ta vô tình hay cố ý, thêm cụm từ “con trai đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang”. Chàng muốn là một cá thể, một chủ quyền riêng, một mảnh đất riêng, không ai xâm phạm, không ai so sánh. Chàng hoàn toàn tự do. Nhưng, có lẽ sự thật vẫn là sự thật. Ở đây, hầu như các gia đình nghệ thuật ở Việt Nam và ngay cả gia đình nghệ thuật các nước trên thế giới đều có sự ảnh hưởng, so sánh của dòng giống. Và người ta khi nhắc đến một người thì lập tức liên tưởng đến người tiếp theo. Chàng muốn chạy ra ngoài quỹ đạo, nhưng quỹ đạo lại lôi chàng trở vào.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, NSND Doãn Hoàng Giang mỗi lần nhắc đến con trai, ông như chùng xuống. Cho dù họa sĩ Doãn Hoàng Lâm đã trưởng thành từ rất lâu, nhưng người đạo diễn đang ở tuổi “cổ lai hy” vẫn coi con mình như một đứa trẻ. Ông sợ chỉ một lời, một hành động, “đứa trẻ họa sĩ” ấy sẽ tổn thương. Doãn Hoàng Giang vốn quá đào hoa, quanh ông bao mỹ nhân yêu kiều của nền kịch nghệ sân khấu các miền Trung, Nam, Bắc đeo đẳng, vậy mà ông thú nhận, tuyệt nhiên chưa bao giờ, khi nào ông chở một người phụ nữ nào ở đằng sau chỉ vì sợ… con trai ông, họa sĩ Doãn Hoàng Lâm vô tình nhìn thấy. Trước mặt con, ông vẫn luôn giữ khoảng cách với các người đẹp.
Doãn Hoàng Lâm có một hình thức đáng mơ ước của chàng trai. Chàng cao trên mét tám. Khuôn mặt phảng phất nét u buồn lãng tử, và độ lạnh lùng vừa phải để cuốn hút người đẹp. Kì lạ! chàng không lao vào các cuộc tình chớp nhoáng như các họa sĩ hiện thời. Chàng cũng không năm thê, bảy thiếp như mốt thời thượng của các họa sĩ Việt đương đại. Chàng chăm bẵm tổ ấm của mình với vợ và bé Bí con gái nhỏ xinh. Chàng say sưa vẽ chân dung con gái đáng yêu bằng cái nhìn đa chiều. Chàng chưa bao giờ mảy may muốn hất tung, đạp đổ ngôi nhà hạnh phúc.
Mặc dù đời nghệ sĩ lắm sóng gió, nhiều đa đoan nhưng chàng tuyệt nhiên an phận, chấp nhận bình yên. Có lẽ, tuổi thơ của chàng, những năm tháng kí ức vẫn hằn nguyên về một thời đã qua, định mệnh chia rẽ vợ chồng đôi ngả của đạo diễn Doãn Hoàng Giang và nữ diễn viên Nguyệt Ánh. Chàng không bao giờ muốn quay về vết xe đổ. Chẳng gì có thể làm chàng vui sướng hơn khi thấy bé Bí bi bô câu chuyện, lém lỉnh len vào giữa hai vợ chồng, cái mà trước đây, thuở bé, chàng vẫn thường chỉ đến trong giấc mơ
Trần Mỹ Hiền