Hoạt động gần đây
Phan Cẩm Thượng
Phan Cẩm Thượng đã đăng một tác phẩm mới.
4 năm trước
Xem thêm
Artistic activities

HỌA SĨ PHAN CẨM THƯỢNG VÀ CÂU CHUYỆN ĐÌNH LÀNG

Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng năm nay tròn 60 tuổi, nhưng đã có tới gần 40 năm cuộc đời để nghiên cứu về văn hoá dân gian, các công trình mỹ thuật kiến trúc cổ, đằng sau đó là cả hệ thống tinh thần của người Việt. Gặp ông ở Hà Nội những ngày cuối tháng 11 trong buổi trò chuyện về không gian văn hóa “câu chuyện của đình làng”, ông bảo lâu lắm rồi mình mới có cuộc nói chuyện ở Hà Nội, bởi thời gian chủ yếu của ông là ở các đình, chùa.
Vì gắn bó với những ngôi đình, gắn bó với các câu chuyện của làng, nên mỗi khi nhắc đến đình, làng, nhà văn hóa Phan Cẩm Thượng lại dạt dào xúc cảm. “Câu chuyện về đình làng thì ai cũng biết. Chúng ta đi qua đình làng, hay từ khi thơ bé đã được nghe các câu hát ru của bà của mẹ về đình làng như “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”, hay “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”… Nhưng để hiểu những câu chuyện phía sau của ngôi đình là những gì, để lại giá trị văn hóa như thế nào không phải ai cũng hiểu.”

Ông Phan Cẩm Thượng kể rằng, ông đến với sự nghiệp nghiên cứu di sản văn hoá như một sự sắp đặt. Hồi nhỏ ông đi sơ tán ở Hà Tây. Thời kỳ chiến tranh nên phần lớn không có trường sở, mà học luôn trong các đình, chùa. Ông bảo: Đi học vậy nhưng thú thực là tôi chẳng học được môn gì, mà cứ thích tượng Phật, hay đồ đạc trong các đình làng. Khi đó làng Cấn Trung tôi học có một cái đình liền với một cái chùa. Đình có một cái sàn mà tôi cứ nghĩ nó là cái sân khấu, suốt ngày leo lên, lấy kiếm trong đình đánh nhau và cũng phá hỏng rất nhiều thứ trong đình. Nhưng thời ấy người ta không nói gì cả. Tôi còn nhớ có cái miếu gần đê, tôi thường rút ngói ra đánh đáo…

Đúng như cái nghiệp, nên về sau tôi lại đi nghiên cứu, vẽ lại các thứ của đình, làng giống như để trả một cái nợ từ thuở bé của mình. Lúc ấy tôi mới hình dung được, là tôi được sống trong giai đoạn có những nền văn hóa cổ tồn tại như thế nào, đồng thời hiểu thêm về quá khứ. Những công trình ấy vừa là ngưng đọng của thời gian rất dài, hàng mấy trăm năm của người Việt Nam trong làng xã. Cũng là văn minh tích tụ của công nghệ, kiến trúc, nền kinh tế. Bên cạnh đó là các vấn đề về tín ngưỡng, tập tục.

Ông tâm sự: Thực sự người Việt Nam mình văn hóa để lại không còn nhiều, mà bị tàn phá bởi chiến tranh, những cuộc bài trừ mê tín dị đoan… nên còn lại rất ít, làm cho chúng ta tưởng chúng ta sống trong một đất nước rất nghèo nàn, trống không. Nhưng thật ra, nếu như các bạn biết vào thế kỷ 18 ở Việt Nam có 11.800 cái làng, mỗi một làng có một cái đình, một cái chùa, một cái đền; mỗi cái chùa có khoảng vài chục đến hàng trăm tượng Phật, các đình rất nhiều đồ thờ, hoành phi câu đối, phù điêu… thì sẽ thấy di sản văn hóa rất lớn chứ không phải nhỏ. Chúng ta có 11 nghìn chùa, 11 nghìn cái đình, 11 nghìn cái đền, thế mà bây giờ chỉ còn vài trăm cái, và chỉ vài cái được nguyên vẹn. Thế mới biết chúng ta đã phá hủy di sản lớn như thế nào…

Vẫn say sưa, ông kể: Một cái làng ngày xưa ở thế kỷ 16 chỉ có khoảng 20 gia đình. Sau các cuộc kháng chiến chống quân Minh, ông Lê Lợi cho một chiếu chỉ 3 gia đình cũng được lập 1 làng. Và cũng chỉ trong 100 năm thôi, làng xã Việt Nam lại phát triển. Nếu chúng ta tìm hiểu, thì sẽ thấy đình làng không chỉ là công trình kiến trúc đơn thuần. Làng xã là bước đi của xã hội Việt Nam, mà cái đình là tập trung của văn hoá, của làng.

Làng của Việt Nam hình thành trên cơ sở tập hợp của vài dòng họ. Sinh ra được một số đinh nhất định, họ tham gia vào chính quyền phong kiến, đóng thuế đinh, thuế điền, tham gia vào các phu phen tạp dịch, đi lính nếu cần thiết. Tình hình đó dẫn đến trong làng xã Việt Nam hình thành các loại tôn giáo và tín ngưỡng. Bởi vì cái đình là một hình thức tín ngưỡng, và một hình thức hành chính. Nó là nơi để các ông kỳ hào, kỳ mục, lý trưởng họp, thì là đơn vị hành chính.

Thứ hai nó là nơi thờ thành hoàng. Thứ ba là hội lễ của toàn dân trong làng. Nghĩa là có ba chức năng: tín ngưỡng, hội lễ và hành chính. Vậy thì đình chính là nền văn hoá của làng. Tín ngưỡng này là tín ngưỡng bản địa, thờ một nhân vật lịch sử, hay thờ một ông tổ nghề, hay thờ một ông thần linh thiêng nào đó mà làng họ quan trọng. Đình là hình thức văn hóa riêng của làng. Bên cạnh đó có một hệ thống tư tưởng được quàng vào với xã hội Việt Nam là tôn giáo đạo Nho, đạo Lão và đạo Phật.

Cũng theo nhà văn hoá Phan Cẩm Thượng: Đình là một tựu trung của kiến trúc cổ Việt Nam, tạo ra một ngôi nhà có hình tượng mái cong. Mái cong có thể vươn ra ngoài khoảng 2 mét, biến đường thẳng thành hình đường cong cho mái đình bớt nặng, thêm phần duyên dáng. Ngày thường dân họ không đến đình. Khi cỗ bàn dân cũng ăn ở ngoài sân. Vì trong đình có thứ hạng, theo ba hạng dân. Hạ hạng là dân thấp nhất bao gồm cả lý trưởng. Trung hạng là các kỳ hào, kỳ mục. Thượng hạng phải là người đỗ đạt trạng nguyên… Ngày xưa anh nông dân đi thi đỗ tiến sĩ, thì khi về làng anh là thượng hạng, được ngồi mâm trên cùng. Ai đến đình cũng phải ngồi đúng chỗ. Các ngày hội lễ thì dân mới được vào đình thoải mái, được làm những gì theo đúng phong tục tập quán.
Theo nghiên cứu của ông Phan Cẩm Thượng: Trong cơ cấu làng xã Việt Nam rất nhiều tập tục có tính phồn thực. Người Việt Nam cổ, trước khi có Nho giáo cũng là dân tộc sống thoải mái, không có nhiều nghi lễ. Từ khi du nhập Nho giáo thì đời sống gia đình siết lại. Quan hệ nam nữ bị cấm đoán. Nhưng rất nhiều làng vẫn duy trì tập tục và cho phép trong ngày hội lễ được tự do tìm hiểu, yêu đương, và chỉ diễn ra trong những ngày hội lễ. Cô nào tính từ ngày hội lễ chẳng may có bầu thì coi như bình thường, còn ngoài ngày đó thì sẽ bị phạt rất nặng. Cả mấy đời không trả nợ được. Một lúc để mời làng ăn cỗ thì trở thành người bần cùng ngay lập tức. Làng vừa khoan dung lại vừa rất khắc nghiệt.

Văn hoá làng là như thế. Mỗi làng một tục, một kiểu sinh hoạt. Nhưng nhìn toàn Việt Nam thì lại giống nhau về nề nếp người nông dân. Thậm chí chúng ta bây giờ là dân thành phố, nhưng cứ ngồi nghĩ mà xem mình rất giống nông dân. Người Việt Nam, ngay Hà Nội thích ngồi nói xấu nhau, khi ốm thì đi thăm, ma chay thì đến viếng nhưng buông ra cái là ghen tỵ, ghét người có năng suất lao động, sáng tạo hơn mình… Những cái đấy là tính cách người nông dân Việt Nam ở làng. Có thể nói đó chính là di sản của làng, di sản của tính cách nông dân đến nay vẫn chưa hết trong con người Việt Nam. Như vậy mới thấy được sức mạnh của văn hoá làng. Cách mạng tháng Tám đã xoá gần hết các tập tục, nhưng chỉ buông một thời gian lại quay lại y như cũ.

Tính từ thời kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955 đến 1980, nhà nào ma chay cưới xin to là nhà nước phạt rất nặng. Thế nhưng chỉ buông ra một thời gian thì nó quay lại, mọi tập tục đều quay lại chứ không có chết. Sức sống của văn hóa tập tục cực kỳ mạnh. Vì sao? Ít nhất nó có 500 năm như thế rồi, 500 năm đời sống làng xã cố định tính cách con người, tính cách ấy được định hình, và cứ thế di truyền mãi.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, đình bây giờ không đóng vai trò như ngày xưa, mà đình làng chỉ còn có giá trị tín ngưỡng. Làng có Hội đồng nhân dân xã, có Ủy ban, Bưu điện văn hóa, Nhà văn hóa… nghĩa là cái tính chất là cơ quan hành chính của đình không còn nhưng còn nguyên giá trị tín ngưỡng. Người ta vẫn duy trì tín ngưỡng, ngày rằm mùng 1 người thọ nhất làng mặc áo đỏ ra mở cửa đình. Ngày tết ngày lễ cũng vẫn cúng tế như thế…

Đình còn có giá trị nghệ thuật rất lớn. Trang trí đình cũng để nông dân tự do. Đề tài trang trí không nghiêm khắc, thể hiện ở phù điêu với cách chạm nông sâu khác nhau. Nhưng đều vô cùng đẹp, và độc đáo. Họ chạm các hình về trò chơi trẻ em như trồng nụ trồng hoa, cảnh săn bắn… với sự điêu luyện, khéo léo, phải là những ông thợ học nghề từ nhỏ mới có được sự dẻo dai trong nét đục. Qua thời gian, điêu khắc trên phù điêu cũng có những thay đổi, vẫn là những người nông dân thực hiện theo tâm trạng, nhưng đã thấy có sự bắt nhịp với nghệ thuật của thế giới với những hoa văn chạm khắc khác nhau, nhiều rắc rối hơn.

Kết thúc câu chuyện về đình, nhà văn hoá Phan Cẩm Thượng một lần nữa khẳng định: Nhạy cảm của người nông dân tương tự nhạy cảm của thế giới. Và điêu khắc đình chính là thành tựu lớn của nền mỹ thuật Việt Nam. Đình làng thực sự là sản phẩm nghệ thuật rất độc đáo. Là biểu tượng của người nông dân Việt Nam cho đến bây giờ.
Thực hiện: Trang Nguyễn
Theo http://daidoanket.vn/hoa-si-phan-cam-thuong-va-cau-chuyen-dinh-lang-390197.html
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng:
TÔI MUỐN VIẾT NHƯ MỘT NGƯỜI SỐNG Ở CHÍNH NƠI ĐÓ

Ra mắt công chúng vào năm 2011, công trình Văn minh vật chất của người Việt của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng (ảnh) vừa trở lại với diện mạo mới, có thêm một số chỉnh lý so với lần in đầu tiên. Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng vừa vào TPHCM để ra mắt công trình được họa sĩ Nguyễn Quân đánh giá là “một cuốn sách lạ”.
* PHÓNG VIÊN: Việc Văn minh vật chất của người Việt được tái bản có phải là một bất ngờ với ông, vì sách nghiên cứu thường kén độc giả?

* Nhà nghiên cứu PHAN CẨM THƯỢNG: Đây không phải là cuốn sách đầu tiên của tôi. Tôi từng làm nhiều sách mỹ thuật, tuy nhiên độc giả mỹ thuật hẹp nên ít người biết. Khi viết, tôi thấy như lạc vào câu chuyện xa xưa và kể lại, không hy vọng hay lo lắng gì.

Tuy vậy, tôi biết câu chuyện của mình có sự đặc biệt, chẳng hạn hầu như không có ai viết về nông cụ (trừ sách kỹ thuật) như mình. Sách được tái bản nhiều lần, một phần do các nơi xuất bản muốn làm theo kiểu ăn chắc nên in với số lượng hạn chế. Có một vài trường tư thục muốn đưa nội dung sách vào chương trình giảng dạy nhưng việc chưa thành.
* Ông là họa sĩ, rồi được biết đến với tư cách nhà nghiên cứu mỹ thuật. Từ cơ duyên nào, ông chuyển sang nghiên cứu văn hóa, lịch sử, xã hội và cho ra đời công trình Văn minh vật chất của người Việt?
* Trong quá trình đi nghiên cứu mỹ thuật ở các vùng nông thôn, tôi thấy những chiếc cày, bừa hay đồ dùng ngày xưa vứt lung tung và người ta đang có xu hướng loại bỏ dần. Lúc bấy giờ xuất hiện cơ giới hóa, điện khí hóa trong nông nghiệp nên các đồ dùng như cối giã gạo, cối đá… bị bỏ hết. Nhân thể tôi có ngồi vẽ lại, rồi viết thử một vài bài về sự hình thành của cái bát.

Năm đó, tôi có chia sẻ với nhà văn hóa Hữu Ngọc ở NXB Thế giới về cuốn sách mà mình định làm. Ông Hữu Ngọc khuyên tôi đọc cuốn sách Văn minh vật chất, kinh tế và chủ nghĩa tư bản thế kỷ 15-18 của tác giả Fernand Braudel, tên tiếng Việt là Cấu trúc vật chất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tôi tìm đọc sách và thấy rất hay, có khi mình cũng thử viết một cuốn sách như thế này.

Đầu tiên, tôi chỉ nghĩ ngợi đơn giản như vậy thôi. Nhưng sau suy nghĩ lại, đời sống xã hội Việt Nam khác nên tôi quyết định kết cấu lại cho phù hợp với đời sống của người Việt.

* Công trình của ông chọn nghiên cứu lịch sử văn minh qua nhãn quan đồ vật. Ông có thể nói rõ hơn về chữ “văn minh” được dùng trong tên sách?

* Khi viết quyển này, tôi đặt là Văn minh, theo đúng cái tên của nước ngoài nhưng như vậy thì không phù hợp với tâm lý người Việt. Bởi người Việt Nam coi trọng, xem văn minh là một thứ gì đó cao xa, to tát. Trong khi đó, ở phương Tây chỉ là một môn về đời sống của người bình thường. Tôi đặt là Văn minh vật chất của người Việt và chỉ muốn nói với bạn đọc, đây chỉ là một môn học của thế giới về văn minh nhưng thực ra là về đời sống hàng ngày của người bình thường.

* Việc xử lý kho tư liệu đồ sộ để làm nên cuốn sách Văn minh vật chất của người Việt có phải là một thử thách với ông?

* Tư liệu rất nhiều, tôi còn hàng ngàn bản vẽ và ghi chép, việc đưa vào sách chỉ được một phần. Sau khi sách in, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang gợi ý tôi công bố nốt các tư liệu thành mục “Văn hóa tập tục” trên Báo Thể thao và Văn hóa. Việc công bố thành bài nhỏ cũng kéo dài được hơn 2 năm. Hiện tôi đang tập hợp toàn bộ tư liệu, để có thể biên soạn thành cuốn Sổ tay về Văn minh Việt Nam, trong đó có nhiều nghiên cứu, bản vẽ về văn hóa các tộc người (giống như sơ khởi cho từ điển).

* Vì sao không gian khảo cứu của cuốn sách chủ yếu diễn ra ở vùng đồng bằng Bắc bộ, thưa ông?

* Về mặt nghiên cứu, chủ yếu tập trung ở đồng bằng Bắc bộ, nhất là ở Bắc Ninh và Hà Tây (nay là Hà Nội) - hai vùng điển hình của nền nông nghiệp Bắc bộ, còn các vùng khác có tính chất tham khảo. Mọi người cũng biết, trước đây tôi hoàn toàn đi bộ, không phải đi ô tô hay xe máy. Mãi đến năm 1994, tôi mới có xe máy. Tôi đi từ làng này qua làng khác mất cả năm trời, thường đi trong một vệt nghiên cứu như vậy. Chỉ riêng việc đi và vẽ đã mất 18 năm.

Tôi cũng thấy thiếu sót khi không vào Nam được nhiều, mà chỉ xem qua tư liệu một số nơi. Trong sách cũng có một số hình ảnh, tư liệu của nông dân Nam bộ nhưng không đáng kể. Nhưng như tôi có viết trong sách, các bạn trẻ có thể coi cuốn sách chưa hoàn thiện và các bạn hoàn toàn có thể bổ sung vào đây những điều mà cuốn sách không có. Tôi cũng làm gần xong các tư liệu về Nam bộ, Champa và Tây Nguyên nhưng viết chưa tốt, vì tôi chưa có tâm hồn Nam bộ, Champa và Tây Nguyên. Tôi muốn viết như một thổ dân sống ở chính nơi đó, như tôi viết về làng Bắc bộ.

* Phương pháp nghiên cứu mà người khác có thể học hỏi ở ông là gì, nhất là khi ông thực hiện một mình và tự lo về kinh phí?

* Phương pháp nghiên cứu do đối tượng nghiên cứu quyết định - Marx nói thế, tức là mỗi đối tượng sẽ tự định ra cho người nghiên cứu cách thức tiếp cận nào đó. Không hề có phương pháp có trước để ta phân tích đối tượng. Về cách thức riêng, tôi học tập cách nghiên cứu văn minh từ các học giả phương Tây rất nhiều nhưng mô tả trình bày bằng tâm hồn của người sống trong các đối tượng đó, hay nói cách khác, người viết cũng chính là một đối tượng.

* Người xưa sáng tạo ra các đồ vật phục vụ cho đời sống, “chừng mực nào đó chúng đánh dấu những cột mốc văn minh nhân loại” (họa sĩ Nguyễn Quân). Nhưng ngày nay, con người lại lệ thuộc vào đồ vật. Ông lý giải hiện tượng này như thế nào?

* Con người vừa sáng tạo ra đồ vật vừa lệ thuộc nó, giống như tình cảm thế hệ vậy, không phải chỉ bây giờ. Nhưng xưa, con người có tôn giáo, coi vật chất và cả bản thân mình là phù du. Người bình dân sống đơn giản, ít vật chất nên sự nô lệ vật chất cũng tương đối.

Ngày nay, chúng ta phụ thuộc vào quá nhiều điều kiện vật chất: điện, nhà vệ sinh, điện thoại, vi tính, internet... (những cái này được coi là tối thiểu, ở tất cả các nơi ta đến). Nếu nhìn lại từ năm 1980 trở về trước, các điều kiện kia không có. Đây chính là cái thú vị để bàn, tôi thấy những vấn đề nhân bản khi con người cọ xát với phương tiện qua câu chuyện này.

* Ông từng nói rằng, khi đi học, ông không hề nghĩ mình trở thành nhà nghiên cứu hay họa sĩ mà chỉ thích rong chơi. Nhưng thực tế bây giờ ông đã trở thành một nhà nghiên cứu phê bình văn hóa - mỹ thuật danh tiếng. Nhìn lại, ông thấy có nuối tiếc khi dấn thân vào công việc nghiên cứu?

* Đến bây giờ, tôi cũng không muốn trở thành gì cả, sinh ra thì làm việc, nuôi thân, nhưng nếu làm được gì có ích hơn thế, thì càng tốt. Tôi chỉ tiếc là không có người đồng hành khai thác kho tàng văn hóa cổ (không phải là các nhà nghiên cứu thư viện, các du lịch viên mang máy ảnh đến di tích chụp rồi về). Kho tàng thì quá to mà sức người lại quá nhỏ.

HỒ SƠN (thực hiện)
https://www.sggp.org.vn/nha-nghien-cuu-phan-cam-thuong-toi-muon-viet-nhu-mot-nguoi-song-o-chinh-noi-do-588381.html
Phan Cẩm Thượng – người nghệ sĩ nặng lòng với văn hóa Việt
Năm 2011, tác phẩm “Văn minh vật chất của người Việt” dày gần 700 trang, khổ 18x24cm, chứa đựng 959 ảnh và 505 hình vẽ minh họa được xuất bản và tái bản ngay sau tháng phát hành đã làm xôn xao giới nghiên cứu văn hóa Việt. Tác giả công trình nghiên cứu này là họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, người đeo đuổi công việc nghiên cứu mỹ thuật Việt cổ suốt 30 năm qua.Họa sĩ Phan Cẩm Thượng tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Ông thích nhất được vẽ về các di tích, di sản mỹ thuật cổ. Vì thế, ông lặn lội rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Sau gần 3 năm biên soạn, năm 1989, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cùng với người thầy của mình là nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cho ra đời cuốn sách “Mỹ thuật của người Việt”. Cuốn sách như sự khởi đầu cho chặng đường khoa học gắn bó với văn hóa dân tộc của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Điều Phan Cẩm Thượng tâm đắc và luôn ghi sâu trong lòng là ông luôn nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ của những người thầy, bạn bè, đồng nghiệp trong các chuyến đi khảo sát các di tích ở địa phương. Từ những chuyến đi ấy ông đã chụp được rất nhiều ảnh, bản dập, xác định các tư liệu trên văn bia và thần phả, sắc phong ở từng di tích. Thế giới tinh hoa cổ vật Việt được Phan Cẩm Thượng dày công nghiên cứu, phân tích, cô đọng và hệ thống hóa lại qua những câu chuyện kể khúc chiết nhằm chuyển tải đến người nghe, người đọc những điều dễ hiểu nhất.

Trong những chuyến du hành lên vùng cao, Phan Cẩm Thượng phát hiện ra nhiều điều thú vị liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của người Việt xưa. Ví dụ như cách dùng lá tranh lợp nhà phù hợp với đặc điểm sinh thái khí hậu vùng cao của người Thái, Mường, Cơ Tu…Trong sổ tay ghi chép của Phan Cẩm Thượng còn có cả bản vẽ kiến trúc nhà dong, nhà gươl, một loại nhà truyền thống của người Cơ Tu ở vùng Tây Giang (Quảng Nam). Dưới mái nhà gươl, nhà dong có chạm nổi nhiều hình nam nữ cách điệu như những khối trừu tượng và nhiều loại động vật núi rừng biển mà người Cơ Tu từng biết đến. Trở về với vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) ven biển miền Trung, Phan Cẩm Thượng lại phát hiện ra những chiếc đèn dầu cổ cao 20 – 22cm dạng hình ống loe, có từ 3.000 năm trước, cây đèn đã đem thứ ánh sáng kỳ diệu đưa con người từ hang động ra đồng bằng qua đi thuở hoang dại bước vào thời văn minh, và nhiều loại cổ vật có giá trị khác liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh như mâm bồng, khuyên tai hai đầu thú… có đặc điểm mà người phương Tây gọi là phong cách Hy Lạp – Phật giáo (Buddhism – Greco).
Qua việc nghiên cứu các di tích cổ, ông cũng phát hiện ra nhiều điều độc đáo về văn hóa Việt cổ. Ví dụ như ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), ngôi chùa gắn liền với văn minh làng quê châu thổ sông Hồng, có những pho tượng Phật, tượng Quan Âm, tượng La Hán, tượng chân dung cổ sơn thếp rất độc đáo mang đậm dấu ấn nghệ thuật điêu khắc dân gian thời kỳ thế kỷ XVI – XVIII. Hay như ở chùa Dâu (Bắc Ninh) Phan Cẩm Thượng cũng đã tìm thấy những bản khắc gỗ có nội dung đề cập đến mối quan hệ xã hội, lễ nghĩa thời Lê Sơ (1428 – 1572).

Phan Cẩm Thượng đi mọi nơi nghiên cứu di sản văn hóa Việt cổ cùng với cây cọ. Trong tư cách họa sĩ, ông sở trường với tranh giấy dó, tranh đồ họa đen trắng, tranh lụa, tranh sơn mài. Ông kiên trì viết và vẽ tranh thư pháp (chữ Hán). Trên tranh giấy dó của họa sĩ xuất hiện con người, hoa sen gắn bó với truyền thống… Năm 2008, triển lãm “Họa sĩ Phan Cẩm Thượng và các học trò của ông” tổ chức tại New York có sự góp mặt 6 họa sĩ: Lê Quốc Việt có những bức thư pháp vẽ theo lối Tiền vệ của Trung Quốc hiện đại, Nguyễn Bạch Đàn vẽ theo lối thủy mặc, Trịnh Quốc Chiến phảng phất ảnh hưởng Phật giáo và phong cách truyền thống qua tranh sơn mài, tranh giấy, Đinh Thị Thăm Poong – họa sĩ dân tộc vẽ đời sống đồng bào dân tộc Việt Nam…

Hành trình đến với di sản văn hóa Việt cổ của Phan Cẩm Thượng là nỗi đam mê, khát vọng cháy bỏng. Ông từng bộc bạch: “Không viết sách có lẽ tôi đã có đến 3 – 4 cái nhà!”. Hình ảnh về Phan Cẩm Thượng đọng lại trong các sự kiện hoạt động quảng bá văn hóa Việt cổ và đương đại là một nhà nghiên cứu điềm đạm, chất giọng nhỏ nhẹ, giản dị, dân dã trong bộ trang phục nhã nhặn. Câu chuyện về tinh hoa đất Việt cổ khúc chiết cuốn hút qua từng hình vẽ, giải trình của nhà nghiên cứu nhiệt huyết có bộ râu dài, đôi mắt đen sôi động sau đôi mắt kính trắng dày. Ẩn chứa trong góc nhìn và sự cảm nhận của họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bao giá trị của di sản văn hóa Việt cổ đang được khơi dậy, tỏa sáng./.

(Theo Vĩnh Hưng – vietnam.vnanet.vn)
Xem thêm