Nghiên cứu tác phẩm “Ballad Biển Đông” của Đào Châu Hải tại Berlin Biennale 12
Nghiên cứu tác phẩm “Ballad Biển Đông” của Đào Châu Hải tại Berlin Biennale 12. Ballad Biển Đông – diễn trình sáng tạo và tư duy mới của Đào Châu Hải
“Ballad Biển Đông” của nhà điêu khắc Đào Châu Hải là biểu hiện nghệ thuật mới nhất, kết quả của quá trình sáng tạo trên 10 năm theo một tư duy hình thức và ý niệm nội dung liền mạch mới của ông.
Sau thời gian khủng hoảng toàn cầu vì dịch bệnh, năm 2022 ghi dấu hoạt động sôi nổi trở lại của thế giới nghệ thuật với nhiều sự kiện lớn, trong đó Documenta 15 và Berlin Biennale 12 (cùng diễn ra tại Đức) là hai triển lãm quốc tế nổi bật. Điều đặc biệt là cả hai triển lãm đều có sự tham gia đông đảo của các nghệ sĩ Việt/gốc Việt (1), một dấu mốc hội nhập quan trọng cho nghệ thuật Việt Nam đương đại bởi danh tiếng và sức hút truyền thông quốc tế rất lớn của hai sự kiện này.
Berlin Biennale 12 (Triển lãm lưỡng niên Berlin lần thứ 12, viết tắt là BB 12)
Thành lập từ 1996, Berlin Biennale hiện là triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế quan trọng hai năm một lần tổ chức tại nhiều địa điểm của thành phố Berlin, các giám tuyển (Curators) sẽ giới thiệu các nghệ sĩ không bị thị trường nghệ thuật và sự săn lùng của giới sưu tập ràng buộc, nhiều nghệ sĩ trẻ qua đó đã vươn tầm quốc tế. Kunst-Werke Berlin là đơn vị tổ chức và từ 2004 Quỹ Văn hóa Liên bang Đức chính thức tài trợ cho hoạt động này, đánh giá nó là “Ngọn hải đăng văn hóa” có sức hút quốc tế, năm nay Quỹ tài trợ cho triển lãm gói ngân sách trị giá 3 triệu Euro. [1]
BB 12 được thiết kế bởi giám tuyển chính – nghệ sĩ người Pháp Kader Attia (2), cùng làm việc với ông là 5 giám tuyển (artistic team) đến từ nhiều quốc gia như: Ana Teixeira Pinto, Đỗ Tường Linh (3), Marie Helene Pereira, Noam Segal, Rasha Salti. Chủ đề trung tâm (Concept) của BB 12 là “Giải thuộc địa” (Decolonial) – một khái niệm được Kader Attia mở rộng ra ngoài khuôn khổ lịch sử địa chính trị, nó thậm chí tập trung vào chính thời điểm hiện tại (Present) để nhận dạng căn tính và hình thức (mới) của chủ nghĩa thực dân, tiền thực dân, tiền phát xít, những mối nguy toàn cầu mà bằng nghệ thuật con người có thể nhận thức và thông qua đề xuất của nghệ sĩ, những chiến lược phù hợp có thể được triển khai nhằm vượt qua những thách thức đó. Với tiêu đề “Still Present!” (4), Kader Attia nhấn mạnh:
“… chúng ta phải làm thế nào để chiếm lại thì hiện tại của mình? Bằng cách trước tiên phải chiếm lại sự chú ý, và bản chất của nghệ thuật nói như nhà lý thuyết truyền thông Marshall McLuhan, là lôi kéo sự chú ý vào trong nó. Dù là hội họa hay âm nhạc có lẽ đều đúng thế và tôi muốn bổ sung thêm rằng nghệ sĩ hãy tìm cách nắm bắt hiện tại. Nhà nghiên cứu truyền thông Daniel Bougnoux lập luận rằng, nghệ thuật tạo ra sự chú ý có lý giải và tác phẩm nghệ thuật như kiểu một cỗ máy làm thời gian chậm lại. Loài người thường xuyên phát minh ra những cỗ máy tăng tốc, và sẽ ra sao khi có một cỗ máy làm chậm đi tốc độ? – ông ấy hỏi tiếp. Có lẽ theo Bougnoux, nghệ thuật có thể là một cỗ máy như thế, tạo ra khả năng đạt tới một thì khác thay thế cho thì hiện tại “đã chết”. Trải nghiệm nghệ thuật tạo cho người xem khả năng chìm đắm trong một tính thời gian khác, phân định triệt để với môi trường xung quanh, tự nó tránh được cơn đói khát vô tận của quản trị thuật toán…“ [2]
Bài viết dưới đây đề cập đến Berlin Biennale 12 và tập trung nghiên cứu, giới thiệu tác phẩm “Ballad Biển Đông” của nhà điêu khắc Đào Châu Hải bởi tác phẩm này là biểu hiện nghệ thuật mới nhất, kết quả của quá trình sáng tạo trên 10 năm theo một tư duy hình thức và ý niệm nội dung liền mạch mới của ông.
Theo Kader Attia, “quản trị thuật toán” là thủ đoạn thực dân xảo quyệt, nguy hiểm mới của nền kinh tế tư bản, chúng “khai thác dữ liệu (hành vi của con người trong môi trường mạng và thực tiễn đời sống – ND) và thuộc địa hóa ứng xử tương lai của chúng ta… cầm tù chúng ta trong một thì hiện tại vô thức và bị động… “. Như vậy mục tiêu quan trọng của BB 12 là:
“Nghệ sĩ từ mọi miền thế giới tham dự sự kiện Nghệ thuật đương đại Berlin Biennale lần thứ 12 trong hoàn cảnh hậu hiện đại và hệ quả báo động của hành tinh. Bằng sự phản kháng của mình họ vẽ ra bản đồ thế giới, tường thuật những câu chuyện đối nghịch với mầm mống thực dân và thể nghiệm những chiến thuật giải thực dân cho tương lai. Làm thế nào để tổ chức một nền kinh tế phi thực dân? Phong trào nữ quyền ở nam bán cầu có thế đóng vai trò gì trong việc tái chiếm lịch sử? Làm thế nào để những tranh luận về đền bù và trao trả vật phẩm cướp đoạt trở thành thực tế? Bằng nghệ thuật liệu có giành lại thắng lợi cho địa hạt của cảm xúc?” [3]
Ballad Biển Đông – diễn trình sáng tạo và tư duy mới của Đào Châu Hải
Phần giới thiệu tác phẩm của ông tại BB 12 được giám tuyển Đỗ Tường Linh viết:
“Tác phẩm Ballad Biển Đông (Ballad of the East Sea) được Đào Châu Hải sáng tác năm 2010 sau chuyến thăm vùng biển đảo Thái Bình Dương – vùng biển đã trở thành khu vực tranh chấp bạo lực giữa các quốc gia láng giềng. Với Berlin Biennale lần thứ 12, ông đã điều chỉnh tác phẩm cũ theo hướng, đặt ra một lần nữa những câu hỏi về chiến tranh biên giới và di dân. Những chủ đề bức thiết hơn lúc nào hết trong thời điểm hiện tại. Sự lặp lại triệt để các cạnh mỏng, sắc nhọn gợi liên tưởng tới hiểm nguy và bạo lực trong tác phẩm của Đào Châu Hải sẽ không thấy được ngay, nếu chỉ dựa vào ấn tượng ban đầu của hình dạng con sóng hay mặt nước biển. Tính chất kết cấu của các tấm thép còn liên hệ với thời kỳ công nghiệp hóa trước đây với công cụ máy móc, hệ thống vận tải và kỹ nghệ sản xuất vũ khí. Tự thân chất liệu thép tấm đúc sẵn chính xác đã nhằm tạo ra các khuôn mẫu và nhịp điệu đầy ấn tượng. Ballad Biển Đông đã khắc hoạ những trang sử đen tối về xung đột của loài người bằng ngôn ngữ điêu khắc đầy tinh tế, vừa nên thơ, vừa ghê sợ và hoành tráng.” [4]
Như đã nói, “Ballad Biển Đông” (2022) là biểu hiện mới nhất của quá trình sáng tạo trên 10 năm theo một tư duy hình thức và ý niệm nội dung liền mạch của Đào Châu Hải. Ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc của ông có thể tóm tắt theo các giai đoạn sử dụng chất liệu tiêu biểu: vào những năm 1990 là những tác phẩm chất liệu gỗ phủ sơn mài, phong cách pha trộn Lập thể và Biểu hiện; từ những năm 2000, đặc biệt năm 1997, sau khi nhận được giải thưởng Prix Évariste Jonchère của Quỹ Taylor với 2 đợt lưu trú nghiên cứu, làm việc tại Xưởng kim loại Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris (l’École nationale supérieure des Beaux-Arts de Paris), Đào Châu Hải bắt đầu sử dụng nhiều chất liệu kim loại, trở thành một trong số ít nghệ sĩ tiên phong thành công với chất liệu này và tạo ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ điêu khắc gia trẻ, mà nhiều người trong đó là sinh viên của ông trong trường mỹ thuật. Xen kẽ giai đoạn 2000 đến nay, sáng tạo của Đào Châu Hải đa dạng với nhiều chất liệu mới so với điêu khắc truyền thống (ở Việt Nam), tuy nhiên điều đáng kể là sự thay đổi về tư duy sáng tác: từ thuần túy tạo hình (điêu khắc hình thức, độc lập với ngữ cảnh trưng bày, ngữ cảnh văn hóa, lịch sử – một đặc điểm phổ quát của nghệ thuật điêu khắc Hiện đại) sang các hình thức biểu hiện điêu khắc – sắp đặt gắn với địa điểm chuyên biệt (site-specific art, hình thức phổ biến của điêu khắc Đương đại). Dưới hình thức này, môi trường bao hàm không gian tự nhiên, không gian văn hóa, lịch sử, địa chính trị, sự tham dự vật lý/tâm lý của người xem là thành phần không thể thiếu của tác phẩm, thậm chí tác phẩm (vật chất được tạo ra) đôi khi chỉ là “lớp vỏ” cho trải nghiệm thực tế của người xem và thông qua sự tham dự đó, toàn bộ nội dung tác phẩm mới được “hiển lộ” và truyền thông. Ở trường hợp khác, bản thân chất liệu làm ra tác phẩm, công nghệ chế tác và kích thước vật lý của tác phẩm có tiếng nói quyết định (hơn cả hình thức) tới hiệu quả truyền tải nội dung tác phẩm, đây là hướng sáng tác mà Đào Châu Hải quan tâm đặc biệt trong những lần được xem các tác phẩm của Richard Serra (5) ở châu Âu và Mỹ.
Đường link trích dẫn:
https://luxuo.vn/culture/ballab-bien-dong-cua-dao-chau-hai-tai-berlin-biennale-12.html
Theo https://luxuo.vn/culture/ballab-bien-dong-cua-dao-chau-hai-tai-berlin-biennale-12.html