Hoạt động gần đây
Nguyễn Lộc 2
Nguyễn Lộc 2 đã đăng một tác phẩm mới.
2 năm trước

Ngày nông nhàn

Ngày nông nhàn

Nguyễn Lộc 2
Nguyễn Lộc 2 đã đăng một tác phẩm mới.
2 năm trước

Nắng trưa

Nắng trưa

Nguyễn Lộc 2
Nguyễn Lộc 2 đã đăng một tác phẩm mới.
2 năm trước

Một góc xuân

Một góc xuân
Xem thêm
Hoạt động nghệ thuật
Họa sĩ Nguyễn Lộc sinh năm 1969, hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên 2012 - 2016; Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác tranh nghệ thuật và tranh cổ động chủ đề “Bộ đội cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân” (2018 - 2019); Có tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc các năm 2000, 2005, 2010; Triển lãm mỹ thuật cá nhân, 2018. Tác phẩm Lá chắn trắng được tác giả gửi tặng chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch COVID-19”, được ban tổ chức lựa chọn làm hình ảnh đại diện cho toàn bộ các hoạt động của chương trình.
Trong chương trình đấu giá 60 tác phẩm nghệ thuật tiếp sức cho những “chiến binh áo trắng” vượt qua đại dịch COVID-19 do Báo An ninh Thủ đô và Indochineart phối hợp thực hiện bức tranh “Lá chắn trắng” của họa sĩ Nguyễn Lộc được đánh giá là một tác phẩm nổi bật. Giản dị, sâu lắng như chính những nét vẽ của anh, họa sĩ Nguyễn Lộc âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị. Lao Động Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Lộc.
“Lá chắn” che đỡ cho chúng ta trước cái chết

Được biết, anh là tác giả bức tranh “Lá chắn trắng” dành tặng cho chương trình “Đấu giá tác phẩm nghệ thuật - Vượt qua đại dịch COVID-19”, xin anh cho biết lý do anh vẽ bức tranh này?

- Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và xuất hiện ở Việt Nam, tôi luôn theo dõi thông tin thời sự. Tôi luôn ấp ủ mình sẽ truyền tải những suy nghĩ, quan tâm của mình về đại dịch bằng một bức tranh. Khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bị nhiễm COVID-19 trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, tôi thực sự xúc động. Giống như những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống giặc, những chiến sĩ áo trắng đối mặt mọi hiểm nguy để chúng ta có cuộc sống bình yên. Họ quên đi bản thân, thậm chí quên cả gia đình để bước vào cuộc chiến chống dịch. Tôi thấy cảm phục và thương những bác sĩ và muốn làm một điều gì đó để thể hiện tình cảm của mình. Tôi nghĩ, cũng như tôi, tất cả người dân Việt Nam đều dành cho những chiến sĩ áo trắng ấy một thứ tình cảm đặc biệt và tôi dùng cách vẽ để thể hiện tình cảm ấy.

Có rất nhiều lực lượng tham gia trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tại sao anh lại chọn hình tượng những người chiến sĩ áo trắng để thể hiện tác phẩm của mình? Anh mất bao lâu để hoàn thành bức tranh này?
- Khi nhìn đội ngũ cán bộ y tế tôi liên tưởng đến những tấm lá chắn. Họ - những chiến sĩ áo trắng thực sự là tấm là chắn che chở cho những người dân chúng ta. Họ đối mặt với mọi hiểm nguy, sẽ là những người chịu đau đớn, hy sinh nhưng họ luôn kiên nghị, vững vàng. Những suy nghĩ ấy cứ ám ảnh khiến tôi đặt bút vẽ và hoàn thành bức tranh trong một đêm.

Bức tranh tôi đặc tả ánh mắt, những ánh mắt đặt liền kề như một khối đồng lòng kết nối với nhau trong cuộc chiến chống dịch. Những đôi mắt đỏ lên vì vất vả, căng thẳng, có chút âu lo nhưng đầy kiên nghị, mạnh mẽ. Bức tranh không chỉ là sự tôn vinh những chiến sĩ áo trắng mà còn muốn qua đó giúp mỗi người dân Việt Nam luôn giữ vững niềm tin vào sự thành công của công tác phòng chống dịch bởi phía trước họ đang có những chiến sĩ kiên cường, giỏi giang, nghị lực.

Anh vốn là một họa sĩ vẽ theo phong cách hiện thực, “Lá chắn trắng” là một trong những tác phẩm hiếm hoi vẽ theo phong cách siêu thực nhưng lại rất thành công. Lúc bắt tay vào tác phẩm, anh có thấy mạo hiểm khi đi ngược lại với phong cách quen thuộc của mình?

- Với tôi, đó không có gì là mạo hiểm. Hiện thực trong hội họa, tôi nghĩ, nó là hiện thực của tâm tưởng. Một tâm tưởng không chung chung mơ hồ mà sâu đậm, nghiêm túc. Nó là hiện thực của riêng tôi, trong một không gian và câu chuyện của riêng tôi.

Với bức tranh “Lá chắn trắng”, tôi ấp ủ ý tưởng “lá chắn” che đỡ cho chúng ta trước cái chết. Đương nhiên hiện thực không thể có hình ảnh như vậy nên phải chọn phương pháp siêu thực. Đây là phương pháp thể hiện tốt nhất và trọn vẹn ý tưởng của tôi.
Anh suy nghĩ như thế nào về vai trò của các nghệ sĩ trong công tác phòng chống dịch COVID-19? Theo anh có sự cách biệt nào giữa cái tôi chủ quan của nghệ sĩ với ý thức trách nhiệm cộng đồng?

- Suốt chiều dài lịch sử nước ta, những người họa sĩ luôn đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Chính vì vậy, các cấp, các ngành cùng toàn dân gồng mình lên “chống dịch như chống giặc” thì các họa sĩ cũng không thể là người ngoài cuộc.

“Lá chắn trắng” được tôi vẽ rất nhanh, rất thoải mái, không có gì gò bó sự sáng tạo cả bởi tự tôi thấy thực sự cảm động, có cả âu lo, có cả sự biết ơn và cứ thế cầm cọ lên vẽ.

Cá nhân tôi nghĩ là không có sự khác biệt nào giữa cái tôi chủ quan và ý thức trách nhiệm cộng đồng. Tôi tin đã gọi là nghệ thuật, dù bất kỳ hình thức nào, dù bình dị hay cao siêu, dù giản đơn hay phức tạp, cũng đều sẽ có công chúng, đều sẽ được đón nhận, nếu người sáng tạo có sự tâm huyết, chân thành. Khi đó, cái tôi chủ quan và ý thức trách nhiệm cộng đồng trong nghệ sĩ chẳng có khoảng cách hay khác biệt nào cả.

Là một họa sĩ, cũng là một thầy giáo đứng trên bục giảng. Anh có thể chia sẻ một chút về con đường nghệ thuật cũng như sự nghiệp ươm mầm nghệ thuật của mình được không?

- Hội họa là tình yêu và lẽ sống của tôi. Nó giúp tôi thể hiện những ý tưởng và cảm xúc của mình. Còn việc dạy học đối với tôi là môt may mắn. Tôi luôn đánh giá cao thế hệ trẻ, họ áp đặt tương lai phải học họ nếu muốn sống tiếp. Tôi truyền thụ cho họ thứ họ cần mà tôi tích luỹ được trong cả một đời nghề, và vì thế củng cố thêm nghề nghiệp cho chính mình. Tôi đánh giá cao thế hệ họa sĩ trẻ của mỹ thuật Việt Nam.

Và dự định làm sách tranh lịch sử

Xem tranh của anh phần nhiều là những cảnh vật, đồ dùng gần gũi, gắn bó với cuộc sống bình dị, đặc biệt là đề tài về thiếu nhi và miền núi với những nét vẽ vui tươi, rực rỡ. Vì sao anh dành sự ưu ái cho mảng đề tài này?

- Cuộc sống bình dị với ao chuôm, vườn tược gắn liền với tuổi thơ tôi. Những thứ bình dị ấy thuộc về tôi như tôi thuộc về nó, đến mức chỉ cần cầm bút vẽ là nó hiện lên đầu tôi một cách thân thuộc.

Trong cuộc đời dạy học, tôi hay đưa sinh viên đi miền núi thực hành thực tập nên rất quen cách ăn ở văn hoá sống miền núi. Tôi yêu phong cảnh nguyên sơ gần gũi thiên nhiên và nhất là con người. Họ có thể có hạnh phúc trong điều kiện vật chất tối thiểu nhất, họ ngây thơ hồn nhiên cho đến lúc chết... Đương nhiên miền núi con người và cảnh vật tôi nắm rõ vì vậy cứ đặt bút là ra là mảng đề tài ưu tiên nhất.

Được biết anh đã có gần 30 năm gắn bó với hội họa, với số lượng tác phẩm khá đồ sộ và có giá trị. Tuy nhiên, có vẻ như số lần triển lãm để giới thiệu tranh đến công chúng cả nước còn khá ít ỏi. Liệu đây có phải là một sự thiệt thòi của các họa sĩ ở tỉnh lẻ?

- Bức tranh chỉ thật sự là nó khi được người ta nhìn ngắm! Vậy nên công bố tác phẩm là việc cực kỳ quan trong cho người làm nghề. Tôi yêu vẽ và vẽ không ngừng trong suốt đời nghề từ ngày đi học 3 năm trung cấp, 5 năm đại học, 3 năm cao học. Trong các đợt hướng dẫn sinh viên vì làm mẫu cho sinh viên nên chủ yếu là loại hiện thực trường quy. Tôi tham gia mỗi năm một lần triển lãm mỹ thuật khu vực và 5 năm một lần triển lãm toàn quốc “được treo 4 lần”. Năm 2018, tôi mới tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Thái Nguyên nơi tôi sống cũng như đất “tỉnh lẻ” nói chung cơ hội để công bố và bán tranh gần như không có. Và để tranh đến được công chúng chủ yếu vẫn phải về Hà Nội.

Anh có thể chia sẻ về dự định sắp tới của mình?

- Hội họa nói riêng các bộ môn nghệ thuật nói chung chưa thực sự được chú ý trong chương trình giảng dạy tại các trường học. Chương trình sách giáo khoa Mỹ thuật và việc giảng dạy môn học này ở trường học còn rất nhiều bất cập. Gần đây, dù đã có điều chỉnh chương trình theo hướng chú trọng đến giáo dục thẩm mĩ, phát huy sự sáng tạo của học sinh song kết quả thu được chưa nhiều.

Mặt khác, với nhiều phụ huynh, thậm chí là giáo viên, Mỹ thuật vẫn được coi là môn phụ, mà chưa tầm quan trọng, vai trò của nó đồi với sự phát triển của trẻ. Do đó dẫn đến việc dạy và học Mỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, đúng hướng dẫn đến việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng hội họa trong độ tuổi thiếu nhi là rất khó. Chính vì lẽ đó, tôi đang có dự định làm sách tranh lịch sử cho trẻ em dễ tiếp cận môn này.
Xem thêm