Hoạt động nghệ thuật
HS Đỗ Mạnh Cương và loạt chân dung danh họa VN

Không ít người từng vẽ chân dung các danh họa Việt Nam. Tuy nhiên, vẽ thành một loạt chân dung và kể chuyện, nhận định về mỗi chân dung thì họa sĩ Đỗ Mạnh Cương là người có nhiều tâm huyết theo đuổi.
MỘT ĐỜI VỚI TRANH…
Hà Văn Ngọc Sương

Cách đây khá lâu tôi tình cờ gặp anh Cương, họa sĩ Đỗ Mạnh Cương, lần đầu tiên khi anh cùng họa sĩ Nguyễn Xuân Đông trên đường vào Chợ Lớn mua họa phẩm. Chúng tôi trao đổi đôi câu trong quán nước ven đường. Hóa ra anh Cương từ miền Bắc, từ trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp vào giảng dạy ở trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

“Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” đã khắc trong tôi nhiều ấn tượng. Dường như con người “gồ ghề” ấy có cái gì đó sâu sâu bên trong?? Về sau, sau những giờ giảng dạy chúng tôi thường gặp nhau uống cà phê, trò chuyện. Có lần anh bảo tôi gửi tranh tham dự triển lãm ở trường. Tôi ngần ngừ. Anh động viên mãi.Cuối cùng tôi tham gia một hai tranh con con cho vui. Thú thật bày tranh chung với anh thì tôi mới chỉ là con nai vàng,còn anh thì kỹ thuật vẽ khôn ngoan như cáo! Quả tình hình họa anh Cương khá vững vàng. Bút pháp anh bay bướm linh hoạt!! Càng ngày tôi càng khám phá thêm về anh. Anh vẽ nhiều, phong phú, đa dạng. Anh vẽ như chơi. Vẽ mà như không vẽ! Anh lại nhìn đời bằng “kính vạn hoa” nên anh có nhiều kiểu tổ chức tác phẩm, nhiều dạng sắp xếp, bố cục. Anh còn biết khai thác thế mạnh của các chất liệu. Còn đường nét trong tranh anh có khi thì rất tinh tế, có lúc thì phóng khoáng, thoải mái. Phải chăng đó là sự hun đúc tất cả những gì mà anh từng trải?

Trước đây, anh Đỗ Mạnh Cương từng là một công nhân, là anh bộ đội. Và anh đã phấn đấu học tập không mệt mỏi về mỹ thuật, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, sau đó là họa sĩ ở xưởng tranh cổ động Trung ương. Năm 1979 anh là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Một tấm long yêu nghề, một tấm gương phấn đấu đáng quý, ít thấy trong ngành. Có người cũng là công nhân, xuất than từ công nhân nhưng lại không vẽ đề tài công nghiệp. Ở anh Cương thì không như vậy, anh rất gắn bó với đề tài công nghiệp. Trong hai năm 1980, 1981, anh đã vẽ về cấc công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương), Uông Bí (Quảng Ninh), nhà máy xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), thủy điện sông Đà (Hòa Bình), công trình xây dựng cầu Thăng long (Hà Nội), công trình khai thác dầu khí Vũng Tàu, công trình xây dựng nhà máy xi măng Hoàng Thạch (Hải Dương)…Hàng trăm bức ký hạo bằng bột màu, màu nước, phấn màu, than đã được triển lãm tại trường Đại học Mỹ thu, ật Công nghiệp Hà Nội, tại Nha Trang (Khánh Hòa), tại Vũng Tàu. Qua các cuộc triển lãm, theo báo chí, tranh của anh đã miêu tả chân thật tinh thần hăng say lao động của anh chị em công nhân, cán bộ trên công trowngf đồng thời giúp cho người xem thấy được con đường công nghiệp hóa của đất nước. Những ký họa như “Móng ống khói nhà máy điện Phả Lại”; “Tàu hút bùn trên sông Đà”; “ Lò 5, lò 6 nhà máy nhiệt điện Uông Bí”; “Ở phân xưởng nghiền đá vôi”; “Hố móng đập tràn nhà máy thủy điện Hòa Bình”…đã đi vào ký ức của nhiều người, là cột mốc của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô một thời đậm đà, ấm áp.

Họa sĩ Đỗ Mạnh Cương còn thế mạnh khác, đó là tranh cổ động. Anh có 4 tranh cổ động được lưu giữ ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Kẻ thù nào cũng đánh thắng”, “Trồng nhiều cam để phục vụ đời sống và xuất khẩu” mà mới đây Trung tâm Mỹ thuật Ứng dụng – Trường Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh đã in lại trong tập tranh cổ động nhân dịp chào mừng 25 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng! Tranh cổ động của anh bố cục rõ rang, màu sắc đẹp, dễ hiểu, thích hợp với thể loại tranh thông tin, giao tiếp, tiếp cận với quần chúng đông đảo một cách nhanh nhất. Chúng cũng phản ánh thể lực sung mãn, ý chí, nghị lực, nhiệt tình, lòng yêu nước của anh một thời trai trẻ…Bây giờ thì anh đã qua cái thời bộ đội, cái tuổi trung niên. Dường như càng xa cái tuổi trung niên anh càng mộng du ở đường biên của cõi mộng và cõi thực, ở ranh giới của thực và ảo. Phải chăng do vậy anh làm việc nhiều?

Anh vẽ đủ các thể loại: sơn dầu, bột màu, lụa, khắc gỗ, giấy dó, than, bút sắt , màu nước, phấn màu; các đề tài: lãnh tụ Hồ Chí Minh, quân đội, phong cảnh ba miền, lễ hội, chân dung, tĩnh vật…Trong đó có tranh anh vẽ tả thực, có tranh anh vươn tới cái siêu thực, hoặc nửa thực nửa mộng. Trong một lần triển lãm ở trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (1995), anh bày bức chân dung nhạc sĩ Văn Cao, tôi rất thích, trong tranh này với bút pháp đơn giản, mới lạ, anh đã thể hiện một Văn Cao sống động, đầy tâm trạng, dường như tồn tại trong không gian tĩnh lặng, chỉ lãng đãng âm thanh và tiếng nhạc. Ở tranh “Tuổi hoa” (sơn dầu), anh Cương vẽ một thiếu nữ dịu dàng bên hoa huệ, gợi nhớ một tác phẩm của Tô Ngọc Vân, nhưng thiếu nữ trong tranh của anh trong sáng, trẻ trung, trong cái không gian gần như siêu thực! Còn ở bức chân dung Nguyễn Sáng, anh có lối bố cục mới mẻ, anh thực hiện đề tài dưới dạng tranh tư liệu, đồng hiện chân dung và những tác phẩm gần gũi của Nguyễn Sáng lên mặt tranh. Ở những tranh khác, anh tái hiện cảnh vật, con người Hà Nội, những kỷ niệm mênh mông của một vùng trời thương nhớ, những thiếu nữ người H’mông, M’nông tắm suối, địu con lên rẫy, những nhà sàn, những cảnh đẹp nên thơ của núi rừng Tây Nguyên, Tây Bắc trong ánh bình minh, trong ánh trời chiều. Tranh anh cũng tái hiện những mảnh đời bất hạnh, những cô gái ăn sương, những trẻ thơ cơ nhỡ, lạc loài…Do vậy có thể nói có cái gì đấy rất nhân bản, rất gần gũi, rất dân tộc trong tranh anh. Tranh anh gắn bó với hiện thực Việt Nam, với đất nước, con người Việt Nam, với những trăn trở chuyển mình của dân tộc.

Ngoài trách nhiệm giảng dạy, anh tham gia đều đặn các cuộc triển lãm ở phòng tranh nhà trường và ở những gallery khác. Và dù có tài, có nhiều tranh được lưu giữ trân trọng ở bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, ở bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ở những bộ sưu tập ở nước ngoài như Anh, Mỹ, Đức, Ý, Úc, Bỉ, Nhật..., nhưng anh vẫn khiêm tốn, nhún nhường. Anh cư xử thân thiện, đúng mực với sinh viên và được các em kính trọng…Dạy học, vẽ tranh đều là cống hiến cho xã hội, đều là “cái nhắn lại, gửi lại” cho “300 năm sau”. Nhưng theo anh, “làm thầy” phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao tay nghề để tiếp cận cái mới và làm gương cho sinh viên noi theo. Anh quan niệm “sáng tác và dạy học là sự bổ sung cho nhau”. Và theo anh: “ Có vốn kiến thức, sự say mê lao động, có bản lĩnh (không bảo thủ), cảm xúc chân thành…chắc chắn người nghệ sĩ sẽ có những kết quả tương xứng.”

Năm 2000 này, anh Cương tròn 60 tuổi, anh sắp sửa chia tay với mái trường, với đồng nghiệp trẻ để nghỉ hưu. Có chút gi đó bang khuâng, bùi ngùi trong lòng bè bạn! Ban Giám hiệu động viên anh cho in một tập tranh để kỷ niệm một đời gắn bó với tranh, với nghệ thuật…Tập tranh này tập hợp 160 tranh, tuyển chọn từ hơn 1400 bức mà anh đã vẽ. Nó phản ứng những suy tư, những trăn trở, những hoạt động của anh Cương, họa sĩ Đỗ Mạnh Cương, từ ngày anh bắt đầu cầm cọ. Tramh xưa nhất mà anh vẽ là tranh Phố Hàng Buồm (1963). Và tranh gần đây nhất là tranh Cầu Mỹ Thuận (1999). Tập tranh “đồng hiện” những cái tiêu biểu: tiêu biểu về đề tài, tiêu biểu về chất liệu, tiêu biểu về kỹ thuật, tiêu biểu cho một thời kỳ…Nó là món quà của anh, cho anh và cũng là món quà của tất cả chúng ta.

Trước khi anh về hưu, chúng ta mừng cho anh có một cuốn sách tranh tuyển chọn trong một “gia tài” to lớn, có được sự nghiệp to lớn, có được “quỹ thời gian” còn lại trong đời để tiếp tục sáng tác. Ở Việt Nam, gia tài như thế không phải là nhỏ, nó là kết quả của cả một đời…Một đời với tranh!

Xin trân trọng giới thiệu tập tranh cùng bạn đọc!

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 6 năm 2000.
Hà Văn Ngọc Sương
(Nhà lý luận phê bình mỹ thuật trường Đại học Mỹ thuật TPHCM)
Chân dung nghệ sĩ: HỌA SĨ ĐỖ MẠNH CƯƠNG Chân dung nghệ sĩ

(Đăng trên báo Nhân Dân số 27 ngày 27/2/2005 nhân dịp triển lãm cá nhân lần thứ Hai của họa sĩ Đỗ Mạnh Cương tại nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, 16 Ngô Quyền, Hà Nội)


Sau 12 năm là giảng viên trường đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, họa sĩ Đỗ Mạnh Cương lại trở về Hà Nội. Ông nhớ da diết tiết thu se lạnh, cái giá rét của đêm đông…bởi nó luôn gây cảm xúc kỳ lạ cho người Hà Nội mà ở Hà Nội mới có. Ông đã truyền cảm xúc đó vào trong tác phẩm của mình. Đề tài ông vẽ là đất nước, dân tộc, con người, thiên nhiên….Tất cả những gì ông thấy yêu, rung động, thấy đồng cảm…thì ông mới vẽ được. Họa sĩ Đỗ Mạnh Cương có một cái nhìn không chỉ đơn thuần là chức năng của thị giác mà là “sự nhìn” và cả chính sự sống của bản thân ông. Ông nhìn nhận cuộc sống bằng cái nhìn trong sáng, tinh tế, sâu sắc và rất nhân bản…Ngồi uống cà phê cùng bạn bên vỉa hè, chứng kiến nhiều trẻ em lang thang, đánh giày, thế là một tác phẩm “Những cuộc đời bất hạnh – S.O.S” ra đời; một khóm tre, một mái nhà tranh, một cái ao làng cũng trở thành một bức tranh khiến người xem nao lòng; tự hào với bản sắc văn hóa của dân tộc, ông như muốn đung đưa cùng các thiếu nữ trong tác phẩm “Múa nón quai thao”; xao xuyến trước mùa thu Hà Nội, ông bỏ ra hàng tháng để vẽ bức tranh lớn “Nắng thu”…

Một họa sĩ xem tranh của ông nhận xét: “Trong tranh, ông vẽ thiếu nữ rất duyên dáng, đẹp và thánh thiện; vẽ phong cảnh thì tươi sáng, thanh bình; vẽ công nghiệp thì khỏe khoắn, họa sĩ này nói thêm: “Ngoài sự vững vàng và sáng tạo nghệ thuật, nếu không yêu thì không thể vẽ được, và chính những yếu tố này làm tranh của ông mang tính dân tộc sâu sắc”. Người nghệ sĩ thường có tình yêu mênh mông. Mà nghệ thuật thì không thể nói dối được!Văn là người. Vẽ cũng là người. Đó là tình cảm, là tâm hồn ông muốn gửi vào trong tranh. Còn về kỹ thuật thể hiện, ở ông kỹ thuật trở thành nghệ thuật để chuyển tải chính xác cảm xúc của mình vào trong tác phẩm. Một tác phẩm đẹp có giá trị là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hình, màu sắc, bố cục, bút pháp và nội dung sâu sắc. Ông đã thể hiện được điều đó.
Phong cách của Đỗ Mạnh Cương rất gần gũi với cuộc sống, rất dân tộc mà không xưa cũ, rất bình dị mà vẫn mang tính thời đại. Ông đã thể hiện tốt một phong cách riêng trong cái chung. Cái chung là “sự cơ bản”, là sự thể hiện chuẩn trong các thể loại. Nhưng cái riêng là sự hóa thân, tìm tòi, sáng tạo và có tính độc đáo…Ông không thích vẽ giống ai nhưng vẫn bài bản , nghiêm túc và sáng tạo. Cả cuộc đời sáng tác của ông luôn đi theo một con đường: “Hiện thực và Hiện thực hiện đại”, bởi ông cho rằng “đó là cầu nối ngắn nhất giữa người vẽ và người xem tranh”.

Ông tâm sự: “ Muốn vẽ đúng, vẽ giống, vẽ đẹp trước hết phải thuộc điều mình muốn vẽ, phải thuộc văn hóa dân tộc mình, phải hiểu văn hóa nghệ thuật phục vụ cho ai” .Họa sĩ Đỗ Đức nói: “nếu ai đó nói tranh là người thì trường hợp của họa sĩ Đỗ Mạnh Cương đúng như thế”.

Mai Xuân Lộc
Xem thêm