Hoạt động gần đây
Đàm Chí
Đàm Chí đã thích một tác phẩm.
2 năm trước

Hoa sen nở

Hoa sen nở

Trịnh Quốc Chiến
Trịnh Quốc Chiến đã đăng một tác phẩm mới.
3 năm trước

Âm thanh của sự tĩnh lặng

Âm thanh của sự tĩnh lặng

Trịnh Quốc Chiến
Trịnh Quốc Chiến đã đăng một tác phẩm mới.
3 năm trước

Phía sau thời gian

Phía sau thời gian
Xem thêm
Artistic activities
Sơn mài hôm nay
NHÀ PHÊ BÌNH PHAN CẨM THƯỢNG
Nghệ thuật sơn mài Việt Nam đang ở cái thế lạ lùng - vừa bế tắc, vừa phát triển. Nó bế tắc và phát triển ở cả xu hướng truyền thống và cách tân, coi sơn mài chỉ là một phương tiện thể hiện bất kỳ ý tưởng nào, bút pháp nào của nghệ sĩ, thậm chí có lẽ cũng không cần là nghệ sĩ, bởi cái bề mặt tự thân của nó đã rất thẩm mỹ.
Lý Trực Sơn và Trịnh Quốc Chiến - hai họa sĩ, tiêu biểu cho quá trình này, cũng là hai thế hệ xuất hiện từ hai thập niên 1980 và 1990 của thế kỷ trước - khi mà chiến tranh đã chấm dứt nhưng còn rất nhiều âm hưởng, nông thôn Việt Nam chưa bị xáo trộn hoàn toàn - và một thời bao cấp nhọc nhằn. Những câu chuyện xã hội ảnh hưởng đến sơn mài cả về ý tưởng và hình thức. Đó là thời gian trượt dài của chất lượng cây sơn và khan hiếm vật liệu tốt, khi các nghệ nhân phục vụ cho ngành sơn ta cũng chết dần, mang theo những bí quyết truyền thống. Ngược lại, ở mặt kia, các nghệ sĩ hoàn toàn không muốn dừng lại ở mức độ hiện thực và tả thực của các họa sĩ từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mà muốn có cái nhìn và cách thể hiện của thời buổi mình.

Lý Trực Sơn được đào tạo lâu dài ở trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, rồi trở thành giảng viên có uy tín của trường. Nhưng ông cũng có thời gian dài dấn thân trong chiến tranh là người lính thực thụ, rồi tự làm mất hết các quyền lợi khi lang thang đến 10 năm ở châu Âu (có lẽ để học rùng mình), và quay lại với một cốt cách chững chạc trong cả hội họa và sơn mài hiện nay. Trịnh Quốc Chiến cũng học trường Mỹ thuật và là một trong những học trò của ông Sơn, nhưng rất nhanh chóng trưởng thành cả về tư cách và nghề nghiệp, cũng sinh ra trong thời chiến và chịu những áp lực của thời bao cấp cùng gia đình, nông thôn và suy tưởng về nhân tình thế thái lúc nào cũng đầy tràn trong ông. Người đi trước từng là một nghệ sĩ tiền phong của phong trào họa sĩ trẻ những năm 1980, người đi sau thì hoàn toàn không muốn dính dáng gì đến phong trào này nọ. Họ trưởng thành tự họ, bất kể hoàn cảnh nào, có đổi mới hay không thì Phái và Nghiêm vẫn thế, vẫn là nghệ sĩ tài năng xuyên quan thời gian.

Cách suy nghĩ của hai họa sĩ này cũng có điểm gặp nhau ở chỗ coi nghệ thuật là một hoạt động thuần túy quyết định ở tính cách nghệ sĩ, trong đó sơn mài cũng chỉ là một phương tiện, nhưng là phương tiện có tính truyền thống, nói lên được bản sắc văn hóa qua hội họa rõ nét. Ông Chiến thì không có ảo tưởng nào về vị thế của nghệ sĩ, nhưng ông Sơn với kinh nghiệm của mình khi tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây và cảm nhận thân phận thực sự của người họa sĩ tại những đất nước nghèo đói không được biết đến về văn hóa, tự đánh giá mình trong cái cân nghệ thuật như thế nào. Có lẽ những ảo tưởng cũng nhạt dần theo tháng năm, khi người ta bước qua tuổi 50, 60 rồi cập tuổi 70 xưa nay hiếm, nghệ thuật vẫn cần rất chuyên nghiệp và chỉ so sánh với chính mình thôi.
Trịnh Quốc Chiến không muốn sơn mài trở thành món đồ tiếp cận mỹ nghệ hay diễn đạt bờ tre con thuyền, mà làm bất cứ cái gì họa sĩ muốn, cũng không muốn lặp lại các hiệu quả bóng nhẵn, sâu xa, lấp lánh. Ông kẻ vạch trên tấm sơn mài, chất đắp thành từng ô hộc (như cách mà trang trí thời Nguyễn đã làm), mỗi ô hộc là một tiểu họa có vị trí riêng trong toàn bộ để ông gần với tâm tư Phật giáo và nhân gian của mình. Chiến từng thành công với hai cấu trúc Bàn chân Phật và Tử vi (12 cung được chia trên bố cục sơn mài). Họa sĩ đã thay đổi sâu sắc cách thức làm sơn mài, nhưng lại cố giữ cái vẻ đẹp cổ xưa của nó trong cảm giác và tính lộng lẫy hơn là một cách thức định hình nào đó từ những người đi trước.

Lý Trực Sơn sớm hiện đại khi gần với chủ nghĩa Biểu hiện thơ mộng cả ở tranh sơn dầu và sơn mài, rồi cuối cùng ông ngả hẳn về sơn mài, với làng quê, quê ngoại, ngọc nữ - những hình ảnh quen thuộc từ văn hóa truyền thống và của chính gia đình ông. Cái này vẫn được ông tiếp tục cho đến bây giờ. Nhưng tranh trừu tượng sơn mài mới là mặt khác được chú trọng thật sự về ý tưởng vô hình và hiệu quả hạn chế sự mỹ nghệ của sơn mài. Ông Sơn cho rằng sơn mài vốn tự thân đã đẹp và dễ làm cho người ta che lấp cái kém của mình, ông muốn lật ngược tình thế này cho nó biểu hiện trần trụi, còn cái đẹp tính sau, có lẽ hiện ra sau cái cá nhân người sáng tác.

Có thể nói, trong hội họa và sơn mài hiện nay, hai ông là những người dấn thân, quá trình sáng tác của mỗi người không dưới 30 năm qua đã để lại những bài học sâu sắc về nghề nghiệp. Truyền thống – văn hóa và kỹ thuật, đọng lại trong họ tinh xảo, điệu nghệ, đến mức họ cố gắng không bộc lộ ra như vậy.

Viết, giới thiệu nhân dịp triển lãm “Bạn nghề” của 2 họa sĩ Lý Trực Sơn và Trịnh Quốc Chiến (19/9 - 25/9/2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
daidoanket.vn-18/10/2019
+5
Nhìn lại vài bức vẽ cách đây gần 30 năm thấy cũng vui vui. Ngẫm lại thì đến được với nghệ thuật thực sự quả là khó khăn!!!
Thầy và bạn trong triển lãm: “Bạn nghề”
Xem thêm