Trở về với môi trường sáng tác mỹ thuật trong nước sau hơn 10 năm trời học tập nghiên cứu ở Trung Quốc, Lê Thanh Tùng dần được biết đến như là một trong những họa sĩ Việt Nam U30 đầy triển vọng. Là một nghệ sĩ có nền tảng đa văn hóa, Tùng chọn cho mình cách tập trung vào những trải nghiệm về sự khác biệt văn hóa mà ít nghệ sĩ trẻ trong nước có được, cùng với những suy tưởng về những mối quan hệ của con người trong xã hội đầy biến động ngày nay…
Tương phản với tuổi đời và khuôn mặt khá trẻ trung, các tác phẩm của Tùng đều ẩn chứa những ý niệm triết lý sâu xa. Tuy cho rằng tranh của mình không hẳn mang hơi hướng của trường phái nghệ thuật Ý niệm (Conceptual Art), nhưng theo Tùng, hiện nay phần đông nghệ sĩ Ý niệm mới chỉ đang khai thác bề nổi, chạy theo những chất liệu hoặc cách thể hiện mới để tìm đến những giá trị mới cho nghệ thuật đương đại. Tự tin với kỹ thuật hội họa hàn lâm được đào tạo bài bản tại một trong 7 trường nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới (anh tốt nghiệp Thạc sĩ tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2015), Tùng chọn cho mình chất liệu sơn dầu để sáng tác, và dùng chất liệu truyền thống này để khai thác những ý tưởng mới, khái niệm mới trong tranh của mình.
Quay lại với triết lý sáng tác của Lê Thanh Tùng, người xem luôn phải đặt câu hỏi khi theo dõi hình tượng tạo hình xuyên suốt các tác phẩm của anh: những hình động vật rất gần gũi thân thiết với con người.
Tùng cho biết, bằng cách sử dụng hình ảnh con vật, anh thay đổi sự tập trung của mình với lập luận rằng con người không phải là đối tượng duy nhất của tạo hình nghệ thuật. Các phần biểu cảm, cảm xúc trực quan của con người có thể được thay thế tốt hơn bằng đặc tính riêng của từng loài động vật dựa trên bản năng đặc trưng của chúng. Cảm hứng này của anh bắt nguồn từ một phần trong niềm tin của đạo Phật, nơi người ta luôn tìm kiếm lời giải cho những câu hỏi tại sao con người tồn tại và mục đích sống của chúng ta là gì. Tùng cũng đang lên kế hoạch khám phá những cách tiếp cận này của các nền nghệ thuật khác trên thế giới.
Tuy vẫn không thừa nhận mình là họa sĩ có triển vọng, nhưng Tùng luôn nghiêm túc với mình trong tư duy làm nghề một cách chuyên nghiệp. Bởi thế anh luôn cố gắng duy trì cho mình một phong cách riêng không trộn lẫn. Anh cũng trăn trở với thị trường sưu tập tranh Việt Nam hiện nay, khi mà các nhà sưu tầm không hẳn hạn chế về tài chính, nhưng việc họ thật sự muốn sưu tập những tác phẩm có tính nghệ thuật cao và có một sự am hiểu thật sự, cũng như niềm đam mê yêu thích đúng đắn cho nghệ thuật thì hiện tại là chưa nhiều.
Với lý lịch tham gia hơn 20 triển lãm, khóa học, sự kiện nghệ thuật quốc tế lớn nhỏ kể từ năm 2012, Lê Thanh Tùng là một trong số hiếm hoi các họa sĩ trẻ Việt Nam có cơ hội so tài, học hỏi các đồng nghiệp trên thế giới. Anh từng là đại diện duy nhất cho Viện Hàn lâm Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh tham gia khóa học trao đổi với Học viện mỹ thuật Kyoto Nhật Bản (2014). Năm 2015, tại Hội nghị quốc tế “Kỷ niệm Con Đường Tơ Lụa lần thứ 2” ở Tây An Trung Quốc, Thanh Tùng Lê vừa là hoạ sĩ vừa đóng vai trò làm đại sứ đại diện Việt Nam tham gia sự kiện. Năm 2016, anh cũng cùng các họa sĩ quốc tế tham dự triển lãm quốc tế tại Khu vực nghệ thuật 798 nổi tiếng tại Bắc Kinh. Tại triển lãm liên hợp quốc tại bảo tàng Học viện mỹ thuật Trung Quốc (Hàng Châu, 2017), Quốc, Thanh Tùng Lê cũng đại diện cho các sinh viên của Viện hàn lâm Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh qua tham dự và phát biểu như một học viên ưu tú được trường tuyển chọn và tin tưởng. Năm 2018, anh được Hội Mỹ thuật Dangjin (Hàn Quốc) tin tưởng đề cử làm giám tuyển Việt Nam duy nhất để tuyển chọn thêm 2 họa sỹ qua tham dự triển lãm quốc tế KAFA Internaltional Art Fair 2018. Mới đây nhất, tháng 5/2019, Lê Thanh Tùng được Hội mỹ thuật Astana Kazakhstan mời tham dự trại sáng tác, triển lãm quốc tế và dự lễ kỷ niệm lần thứ 115 thành lập thủ đô Astana (Nursultan) Kazakhstan.
Bình luận (0)